Phanh tay ô tô hoạt động lúc xe dừng hẳn giúp xe không bị lăn bánh khi dừng hay đỗ. Dưới đây là cách sử dụng phanh tay ô tô đúng cách
Tác dụng của phanh tay ô tô
Tác dụng chính của phanh tay ô tô không gì khác chính là việc giữ chiếc xe đứng yên, không bị trôi khi dừng đỗ nhất là trên các con dốc. Bạn chỉ việc chỉ việc đạp phanh chân rồi kéo tay phanh lên (phanh cơ) hoặc gạt lẫy cho cho đến khi thấy sáng đèn báo (phanh điện tử) sau đó đưa cần số xe về P rất đơn giản.
Đối với những mẫu xe số sàn ít khi được trang bị công nghệ khởi hành ngang dốc, phanh tay còn mang vai trò hỗ trợ giúp chiếc xe khởi hành ngang dốc với các thao tác: đạp hết côn → kéo phanh tay → nhả côn từ từ đồng thời đạp nhẹ chân ga cho đến khi xe rung rung → nhả phanh tay. Đây là một trong những kỹ năng cơ bản thường được dạy ở các trường lái xe và có trong bài thi sát hạch.
Ngoài ra, phanh tay còn được sử dụng để thực hiện các pha drift thần thánh với những thao tác cơ bản như: người lái tiến vào khúc cua đánh lái đột ngột và kéo phanh tay đột ngột để khóa bánh sau, phần đuôi xe sẽ quay trượt tạo nên cú drift ngoạn mục. Vậy sử dụng phanh tay ô tô thế nào cho đúng?
Kéo phanh tay đúng cách
Rất nhiều tài xế khi lái xe số tự động có thói quen về P, tắt máy rồi mới kéo phanh tay ô tô. Theo các chuyên gia, thói quen này về lâu dài có thể ảnh hưởng tới hộp số. Họ cho biết, hướng dẫn an toàn của các hãng khi đỗ xe với xe số tự động là đạp phanh chân – kéo phanh tay – về P – tắt máy. Ở mặt bằng phẳng, việc vào P trước khi phanh tay hay phanh tay trước khi vào P là như nhau vì không có hiện tượng trượt dốc sau khi cài P, nhưng khi đang trên dốc, bạn nên tuân theo hướng dẫn trên.
Nhiều tài xế cẩn thận hơn có thể thêm bước trung gian về N, cụ thể trình tự là đạp phanh chân – về N – kéo phanh tay – về P – tắt máy. Cách làm này giúp chắc chắn xe không bị chồm lên khi bạn lỡ nhấc phanh chân mà vẫn ở số D.
Nhả phanh tay ôtô trước khi di chuyển xe
Sẽ có hai trường hợp xảy ra khi bạn quên nhả phanh tay ô tô: Đó là quên hẳn, hoặc là có nhả nhưng chưa nhả hẳn khiến cho phanh tay vẫn ăn nhẹ.
Khi má phanh đã dừng mà vẫn còn sát vào đĩa phanh (khi phanh tay không được nhả hoặc nhả chưa hoàn toàn), ma sát lớn giữa má phanh và đĩa phanh sẽ sản sinh một lượng nhiệt rất lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể cháy.
Thường xuyên kiểm tra và tiến hành bảo dưỡng
Một điều nữa mà các lái xế nên chú ý là phải thường xuyên kiểm tra hệ thống phanh tay ô tô chống rỉ sét sau khi đi mưa, tránh hiện tượng kẹt phanh.
Phần lớn phanh tay ô tô hiện nay sử dụng cơ cấu truyền động cơ khí thuần túy, nên vấn đề phổ biến của phanh tay là kẹt cứng do cáp khô dầu, khớp cơ khí hoen rỉ vì oxy hóa do lâu ngày phanh không được sử dụng, má phanh không bung được, kết quả là bánh bó cứng. Chính vì thiết kế độc lập, nên hệ thống phanh tay ô tô ít được quan tâm bảo dưỡng so với hệ thống khác.
Kẹt phanh tay thường xuất hiện ở các xe đời cũ khi mà các chi tiết đã bắt đầu có hiện tượng rỉ sét, đặc biệt là sau khi đi mưa. Trên các loại xe du lịch hoặc xe tải nhẹ, phanh tay được dẫn truyền bằng hệ thống thủy lực với bầu trợ lực khí nén. Vấn đề của hệ thống này là hiện tượng dầu có lẫn bọt khí làm giảm hiệu suất truyền lực trong hệ thống phanh dẫn tới phanh không ăn và nhanh hỏng dầu.