Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, kể từ ngày 1/1/2020 vừa qua, hàng loạt chính sách mới về luật giao thông đường bộ đã bắt đầu có hiệu lực, góp phần làm giảm sự gia tăng về các vụ tai nạn giao thông trong thời gian vừa qua.
Theo đó, trước thực trạng có quá nhiều các vụ tai nạ giao thông xảy ra trong thời gian vừa qua vì những lý do quen thuộc như sử dụng rượu bia trước khi lái xe, thiếu kiến thức về luật giao thông của người điều khiển phương tiện, ý thức và văn hoá tham gia giao thông còn hạn chế… Bộ Giao thông Vận tải đã trình lên Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, sửa đổi thông tư, quy định về luật giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, các quy định mới về tiêu chuẩn phát thải của phương tiện ra môi trường cũng được điều chỉnh lại, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay.
Điểm qua những chính sách nổi bật về luật giao thông đường bộ sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020:
1. Theo dõi việc học của học viên lái xe thông qua thiết bị giám sát
Kể từ ngày 1/5/2020, tất cả các trung tâm/cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên cả nước sẽ phải triển khai, lắp đặt ứng dụng công nghệ nhận dạng học viên (trừ trường hợp học viên thi bằng lái xe hạng B1) trong thời gian của bộ môn Pháp luật giao thông đường bộ. Điều này đồng nghĩa với việc học viên sẽ bắt buộc phải tới lớp học để hoàn thành đầy đủ giáo trình của bộ môn Pháp luật giao thông đường bộ. Đối với 4 bộ môn lý thuyết còn lại học viên sẽ vẫn điểm danh theo sổ như thông thường.
Đó là về thiết bị giám sát trên lớp học lý thuyết. Với bài học thực hành, trên các xe ô tô tập lái đều sẽ được lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và hành trình để quản lý và theo dõi việc thực hành của học viên xuyên suốt thời gian tham gia đào tạo và sát hạch bằng lái xe ô tô.
2. Giấy phép lái xe tích hợp mã số của Cơ sở đào tạo học viên
Kể từ ngày 1/6/2020, tất cả các giấy phép lái xe cấp mới sẽ được tích hợp công nghệ QR để đọc, giải mã nhanh các thông tin về hệ thống thông tin quản lý của người lái và cả mã số cụ thể của đơn vị đào tạo lái xe. Từ đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể dễ dàng đánh giá, thống kê về hoạt động dạy và học của các cơ sở đào tạo lái xe, nhằm đưa ra những cảnh báo cần thiết.
Ngoài các thay đổi kể trên, học viên tham gia đào tạo, sát hạch thi giấy phép lái xe ô tô từ năm 2020 cũng cần lưu ý việc đảm bảo đúng số giờ, thời gian học quy định. Nếu không đạt đủ số giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp và sa hình, học viên sẽ không được phép dự thi tốt nghiệp và sát hạch giấy phép lái xe.
3. Nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, rượu/bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Kể từ ngày 1/1/2020, các khung xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu/bia, các chất kích thích và nồng độ cồn vượt quá mức quy định đã được điều chỉnh lại ở nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 – 600.000 đồng.
4. Tăng mức xử phạt với nhiều lỗi vi phạm hành chính thường gặp
Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định lại rất rõ về chế tài xử lý hàng loạt các lỗi mà người tham gia giao thông đường bộ thường mắc phải. Trong đó, nổi bật phải kể tới việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi như:
– Người điều khiển phương tiện dắt/chở vật nuôi/súc vật tham gia giao thông (mức phạt: 100.000 – 200.000 đồng, áp dụng với xe máy).
– Người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại/thiết bị nghe khi tham gia giao thông (mức phạt: 600.000 – 1 triệu đồng với xe máy và 1 – 2 triệu đồng với ô tô).
– Người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h tới dưới 10 km/h (mức phạt: 100.000 – 200.000 đồng với xe máy và 800.000 – 1 triệu với ô tô).
– Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm/không cài quai mũ bảo hiểm đúng quy định (mức phạt: 100.000 – 200.000 đồng, áp dụng với xe máy).
– Người điều khiển xe không cài dây an toàn khi tham gia giao thông (mức phạt: 800.000 – 1 triệu đồng, áp dụng với ô tô).
– Người điều khiển xe không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông, hiệu lệnh/hướng dẫn của người điều khiển giao thông (mức phạt: 600.000 – 1 triệu đồng với xe máy và 3 – 5 triệu đồng với ô tô).
5. Xe gắn máy phải dán nhãn năng lượng
Giống như ô tô, kể từ ngày 1/1/2020, các xe máy được sản xuất, lắp ráp trong nước và xe máy được nhập khẩu từ nước ngoài, phân phối tại thị trường Việt Nam sẽ đều phải dán nhãn năng lượng và công khai mức tiêu thụ nhiên liệu.
6. Chuẩn khí thải mới cho xe ô tô
Để góp phần bảo vệ môi trường trước hàng loạt các vấn nạn từ khí thải phương tiện giao thông cơ giới, từ ngày 1/1/2020, Quyết định số 16/2019 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, quy định lại về tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia lưu thông tại Việt Nam. Cụ thể, Quyết định số 16/2019 quy định, tất cả các xe ô tô sản xuất từ sau năm 2008 sẽ phải đáp ứng chuẩn khí thải mức 2, các loại ô tô sản xuất trước năm 1999 giữ nguyên tiêu chuẩn khí thải ở mức 1.
Theo Quyết định số 16/2019 của Thủ tướng chính phủ về lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, các loại xe ô tô sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 2, cao hơn 1/3 so mức 1. Trong khi đó, các loại xe ô tô sản xuất trước năm 1999 tiếp tục được áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 1.