KỸ THUẬT SỬ DỤNG PHANH Ô TÔ HIỆU QUẢ

Chức năng của phanh ô tô không chỉ bó hẹp trong việc dừng xe mà còn giúp chủ xe ổn định tốc độ và an toàn khi vào cua.

Người lái xe cần nắm một số kinh nghiệm sử dụng phanh ô tô để có thể điều khiển xe an toàn và tránh những tình huống bất ngờ, nguy hiểm có thể xảy đến.

Đạp – nhả phanh ô tô đúng nhịp độ

Kỹ thuật này được đa số các chủ xe áp dụng trong trường hợp lái xe ở tốc độ cao và không thể phanh gấp vì sẽ gây trượt hoặc khóa bánh khá nguy hiểm. Theo đó, người lái sẽ sử dụng phanh ô tô theo cách đạp – nhả theo nhịp độ liên tục để nắm tốc độ của xe cũng như không bị trượt bánh dẫn đến mất lái nguy hiểm.

Muốn xe dừng êm, hãy thử nhấp phanh ô tô

Để xe dừng êm, các tài xế nên nhấp phanh ô tô nhiều bước, thay vì đạp mạnh phanh trong một lần. Cụ thể, ở lần đạp phanh đầu tiên, tài xế nên đạp hơi mạnh nhằm giảm tốc độ của xe. Tiếp sau, khi xe đã dần ổn định, tài xế cần đạp nhẹ phanh để theo đà của xe. Cuối cùng, tài xế chỉ cần đệm tiếp phanh để xe dừng hẳn.

Rà phanh khi vào cua

Một kỹ thuật khá quen thuộc của những tay đua. Họ sẽ sử dụng kỹ thuật rà phanh theo một lực vừa đủ để vào cua trong khi tốc độ vẫn được ổn định như trước. Tránh phanh xe để giảm tốc độ xuống một mức được cho là vừa phải và bỏ phanh ngay khi vào cua, điều này khá nguy hiểm.

Với kỹ thuật rà phanh, các tay đua sẽ giữ cho xe chạy ở một tốc độ cao mà vẫn không bị mất lái khi vào cua. Phanh được duy trì ở cùng một mức đến khi thoát khỏi khúc cua an toàn. Theo đó, các tay đua muốn sử dụng tốt kỹ thuật này cần phải cảm nhận được lực phanh vừa đủ để thực hiện khi vào cua.

Phanh ô tô gấp khi gặp sự cố bất ngờ

Kỹ thuật phanh ô tô gấp sẽ được tài xế dùng trong lúc di chuyển xe ở tốc độ cao mà có một vật cản bất ngờ xuất hiện. Hiện tượng bó cứng phanh sẽ xảy ra khi tài xế đạp phanh quá mạnh và đột ngột. Điều này sẽ làm cho bánh xe bị trượt và mất kiểm soát.

Muốn phanh gấp hiệu quả khi điều khiển xe ở tốc độ cao, tài xế phải đạp mạnh phanh và cảm nhận được bánh xe có hiện tượng trượt trên đường. Lúc này, tài xế vẫn phải tiếp tục giữ cho xe đi thẳng trong tầm kiểm soát của tay lái và nhả phanh ngay lập tức. Khi xe không còn trượt bánh, tài xế cần phanh xe đến khi xe dừng hẳn.

Phối hợp phanh động cơ và phanh chân

Phanh phối hợp sẽ được dùng trong trường hợp xe xuống dốc hoặc đường trơn trượt nguy hiểm. Nhằm đảm bảo an toàn, người lái sẽ thực hiện kết hợp giữa phanh động cơ (về số thấp) với phanh chân. Trong nhiều trường hợp cực kỳ nguy hiểm, tài xế còn cần đến sự kết hợp của phanh tay.

Phanh ô tô trên đường trơn, trượt

Bánh xe bị trượt và mất lái thường xảy ra trong điều kiện đường ướt mưa hoặc bùn lầy. Khi di chuyển trong địa hình này, tài xế phải đạp nhẹ phanh và liên tục nhiều lần nhằm tạo cho bánh xe có thể bám trên mặt đường và không bị bó cứng phanh.

Kỹ thuật này có điểm tương đồng với công nghệ ABS của xe hơi. Khi đạp phanh nhiều lần trong một thời gian ngắn sẽ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hơn.

Phanh ô tô khi đổ đèo

Khi đổ đèo, tài xế tuyệt đối không được cắt côn vì nó sẽ làm cho xe lao xuống dốc theo quán tính. Lúc này, vận tốc của xe sẽ tăng nhanh và không dễ để phanh lại khi gặp trường hợp khẩn cấp. Theo đó, tài xế nên điều khiển xe ở số thấp nhằm kìm hãm tốc độ của xe trong lúc đổ đèo. Bên cạnh đó, tài xế cũng chuẩn bị để phanh ô tô nhẹ nhằm kiểm soát vận tốc và tránh hao mòn má phanh.

Trả lời