Khi nhiệt độ ngoài trời ở mức trên dưới 40 độ C, vỏ và kính chắn gió sẽ phải chịu một mức nhiệt tới hơn 60 độ C; rất dễ xảy ra hiện tượng nứt kính chắn gió nếu bạn rửa xe ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng.
Theo các chuyên gia về kính cường lực, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến lớp keo bên trong các lớp kính chắn gió ôtô co giãn đột ngột và dễ dẫn đến nứt vỡ, đặc biệt là các tấm kính đã bị sứt do đá bắn hoặc do va chạm…
Ngoài ra, để khắc phục hiện tượng kính chắn gió bị lan rộng vết nứt hay bị rạn do đá bắn từ nền đường hay xe ngược chiều, bạn có thể lựa chọn việc hàn kính chắn gió để hạn chế phạm vi vết nứt và giữ được an toàn cho mình. Một số kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thể bảo vệ tấm kính chắn gió trên xe. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ, đừng tiếc tiền nếu trường hợp phải thay kính mới vì vết nứt/vỡ quá lớn, gây hạn chế tầm nhìn.
– Khi chẳng may kính xe bị nứt/vỡ, hãy cố gắng giữ sạch vết nứt/vỡ đó bằng việc dán một miếng decal để tránh bụi bẩn và nước chui vào. Điều này giúp việc xử lí vết nứt/vỡ, không để lại vết bên trong kính.
– Không tác động lực vào chỗ nứt/vỡ để tránh làm tăng kính thước vết nứt.
– Không đóng mạnh cửa hoặc cốp xe, tránh rung động làm tăng vết nứt (có thể hạ kính cửa xuống 1-2cm để tránh trường hợp dồn khí khoang lái tác động lên kính)
– Không chạm tay vào vết nứt vì mồ hôi, dầu nhờn có thể làm vết hàn không đạt hiệu quả cao.
– Tránh việc làm thay đổi nhiệt độ đột ngột tác động lên kính chắn gió; nắng trực tiếp, rửa xe khi kính vừa chịu nắng nóng (nhiệt độ bề mặt chưa giảm).