Các quốc gia trên thế giới đều cảnh báo về sự nguy hiểm khi ngủ trong xe hơi. Có rất nhiều lý do được đưa ra nhằm khuyên mọi người từ bỏ ý định ngủ trong xe, nhất là về đêm.
Mức độ nguy hiểm khi ngủ trong xe hơi đã được các hãng xe và tổ chức y tế thế giới cảnh báo. Quan trọng hơn cả, các quốc gia trên thế giới đều đã ghi nhận những trường hợp tử vong do ngạt khí khi ngủ trong xe hơi.
Nguy hiểm khi ngủ trong xe hơi
Không gian bên trong xe hơi được so sánh tương tự như một căn phòng hẹp. Thế nhưng, việc ngủ trong xe hơi lại nguy hiểm hơn nhiều, bởi nó hẹp hơn và chứa nhiều khí độc, chất độc hại. Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, trường hợp tử vong do ngạt khí khi ngủ trong xe hơi xuất hiện khá nhiều. Trong trận lũ lịch sử cuối năm 2008 tại miền Bắc Việt Nam, báo cáo cho thấy có trường hợp tài xế taxi tử vong trong tư thế nằm ngủ trong xe đóng kín hay hai người đàn ông bị ngạt do cửa đóng kín. Malaysia cũng từng ghi nhận trường hợp một bà mẹ mang thai và 4 đứa con bị chết ngạt do ngủ trong xe kín, bật điều hòa.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia cho biết con người sẽ bị thiếu oxi chỉ trong khoảng 2 giờ đóng kín cửa xe. Bởi, người trưởng thành cần đến 1m3 không khí trong 1 giờ, trong khi việc ngủ quên 2 tiếng đã vượt qua mức chịu đựng và khiến họ bị chết ngạt.
Ở trạng thái tỉnh táo, con người có thể phản ứng nhanh với tình trạng ngạt khí và nhanh chóng mở cửa sổ, bật chế độ điều hòa lấy gió ngoài hay ra khỏi xe nghỉ ngơi. Còn đối với tình trạng vô thức như khi ngủ, con người sẽ không có khả năng phản ứng và nguy cơ tử vong là rất cao.
Ngoài trường hợp tử vong do ngạt khí, người ngồi trong xe hơi quá lâu cũng có nguy cơ ung thư cao hơn. Các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc nghiên cứu và đã chỉ ra những vật liệu làm bằng nhựa trong xe hơi như táp-lô, ốp cửa, ống dẫn khí đều tạo ra khí benzene, có khả năng gây ung thư rất lớn. Không chỉ vậy, benzene còn có thể ảnh hưởng đến xương, đồng thời gây ra các bệnh thiếu máu, bạch cầu,…
Lượng benzene tiết ra trong một chiếc xe hơi đóng kín có thể đạt đến mức 400 – 800 mg. Trong khi, ngưỡng an toàn của benzene đối với con người là dưới mức 50 mg/4,65 m2. Benzene trong xe hơi kín còn có thể đạt đến 2.000 – 4.000 mg khi đỗ dưới nắng nóng. Với các con số này, có thể thấy rằng, nguy cơ mắc ung thư hay thiếu máu của con người sẽ tăng cao hơn khi tiếp xúc quá lâu với benzene, nhất là những người ngủ trong xe.
Trường hợp nguy hiểm cuối cùng có thể dễ dàng nhận ra khi ngủ trong xe hơi đó là bị trộm cắp, trấn lột. Những người thường ngủ trong xe hơi hay phải trải qua hành trình dài và quá mệt mỏi, dẫn đến buồn ngủ. Các tên trộm sẽ nhắm đến những chiếc xe hơi đỗ ven đường và quan sát để thực hiện hành vi trấn lột. Trường hợp nhẹ có thể mất những vật dụng có giá trị như ví, điện thoại,.., còn nặng thì mất xe, nguy hiểm nhất là bị đe dọa tính mạng.
Để không bị ngạt khí trong xe hơi
Hiện tại, các nhà sản xuất xe đã trang bị hệ thống điều hòa có khả năng linh hoạt chuyển đổi giữa hai chế độ lấy gió trong và gió ngoài sau 5 phút. Theo đó, việc sử dụng chế độ lấy gió trong, tức hệ thống điều hòa chỉ dùng không khí trong xe để làm lạnh, sẽ làm cho việc lưu thông không khí với bên ngoài không xảy ra. Hậu quả nguy hiểm là sau 2 – 3 giờ ngủ trong xe, con người sẽ bị ngạt khí và tử vong. Chính vì vậy mà công nghệ chuyển đổi giữa chế độ lấy gió trong và gió ngoài trên sẽ đóng góp không nhỏ trong việc giảm nguy cơ tử vong do ngạt khí. Song, không phải xe hơi mới nào cũng sở hữu công nghệ này.
Khi tài xế lựa chọn chế độ lấy gió ngoài, nguy cơ tử vong vẫn có thể xảy ra nếu hệ thống điều hòa chết máy do hết nhiên liệu hay động cơ quá nóng vì dừng tại chỗ quá lâu.
Dù bằng cách nào, mọi người cũng không nên ngủ trong xe hơi, trừ các trường hợp bất khả kháng. Với những trường bắt buộc ngủ trong xe, tài xế có thể cho xe dừng ở vị trí thoáng, không khí lưu thông tốt. Tuyệt đối không đỗ xe ở không gian hẹp và bí khí. Ở những nơi này, kể cả bạn đã mở hết cửa xe, không khí cũng có thể bị thiếu hoặc hít phải khí CO từ động cơ xe, dẫn đến ngộ độc nguy hiểm.
Sau khi đã chọn vị trí dừng, đỗ xe, bạn hãy bật điều hòa với chế độ lấy gió ngoài hay chế độ tự động có trên các xe hơi mới. Lưu ý, không điều chỉnh hướng gió thẳng vào mặt gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Tiếp đến, bạn cần nhớ khóa cửa để phòng tránh sự dòm ngó của các tên trộm. Tuy nhiên, bạn nên hạ kính cửa bên xuống khoảng 1,25 – 1,5 cm để không khí có thể luồn vào bên trong mà không ảnh hưởng đến việc làm mát của hệ thống điều hòa. Với cách làm này, nguy cơ động cơ tắt máy đột ngột sẽ giảm và không làm hệ thống điều hòa bị hỏng. Một lưu ý khác, bạn nên cất điện thoại, ví hay những vật giá trị vào tủ đồ để tránh bị kẻ gian lợi dụng khe hở cuỗm mất.
Mặc dù đã đề phòng các trường hợp và thực hiện những cách tốt nhất để có thể an toàn khi ngủ trong xe, bạn vẫn nên đặt báo thức. Việc đánh thức sau một giờ sẽ khiến giấc ngủ gián đoạn nhưng sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình tốt hơn.