KINH NGHIỆM XỬ LÝ SỰ CỐ GẶP PHẢI KHI LÁI XE

Việc trang bị kiến thức trong những tình huống bất ngờ khi lái xe ô tô, sẽ giúp các bác tài có thể giữ bình tĩnh và tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nổ lốp

Xe ô tô chở quá tải, rơi ổ gà, lốp xe thiếu hơi hay quá cũ là những nguyên nhân chính dẫn đến việc xe bị nổ lốp. Sự cố này sẽ rất dễ dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng khi xe lưu thông.

Khi xe ô tô bị nổ lốp, phản xạ cơ bản của các bác tài thường là đạp phanh hay đánh lái về phía ngược lại do nhận thấy xe bị nghiêng. Tuy nhiên, hành động này chỉ khiến tình trạng xe mất cân bằng trở nên trầm trọng hơn. Lúc này, tài xế nên cố gắng không đạp phanh, chỉ buông chân ga và giữ thẳng tay lái. Sau đó, lái xe từ từ, rà nhẹ phanh, giữ cho xe đi đúng làn đường và tấp xe vào bên lề khi thấy xe đã ổn định.

Vỡ hoa lốp

Vỡ hoa lốp là trường hợp hoa lốp và dây thép phía trong bị đứt hoặc bung ra một phần, tạo nên hiện tượng rung lắc mạnh khiến xe mất thăng bằng.

Để khắc phục điều này, tài xế cần điều khiển phương tiện ô tô theo đúng giới hạn tốc độ cho phép, không nên phóng nhanh, vượt ẩu. Bên cạnh đó, nếu xe gặp phải sự cố vỡ hoa lốp, tài xế cần giữ bình tĩnh, nhấn ga từ từ và lái thẳng về nơi an toàn để thực hiện kiểm tra, sửa chữa.

Vô lăng khó điều khiển

Nếu các bác tài cảm thấy vô lăng đột nhiên khó điều khiển, hãy nhanh chóng xi-nhan, tìm chỗ an toàn để dừng xe. Sau đó, tiến hành việc kiểm tra xem dây đai của bơm dầu trợ lực tay lái có bị đứt hay không? Hoặc xem xét có vấn đề gì bất thường khiến vô lăng trở nên khó điều khiển?

Đặc biệt, nếu như vô lăng không thể điều khiển, lái xe hãy giữ bình tĩnh, bật cảnh báo nguy hiểm đồng thời thực hiện các thao tác giảm số, giảm ga, bấm còi hoặc ra hiệu bằng tay và dừng xe an toàn.

Kẹt ga

Khi xe gặp phải sự cố kẹt ga, nhiều tài xế thường hay nhầm lẫn giữa chân phanh và chân ga, dẫn đến trường hợp đạp nhầm chân ga, gây hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, nếu gặp phải trường hợp này, lái xe nên lập tức đưa chân ra khỏi pedal, chuyển cần số về mo hoặc đạp chân côn để tách liên kết.

Nếu không thể đưa về cần số N thì phải tắt động cơ. Đồng thời, tài xế phải quan sát các phương tiện đang lưu thông xung quanh và dừng xe để đảm bảo an toàn.

Xe tăng tốc đột ngột

Mặc dù có những dấu hiệu tương tư như kẹt ga, nhưng nguyên nhân của hiện tượng xe tăng tốc độ đột ngột không liên quan đến kỹ thuật mà chủ yếu do thói quen sử dụng chân ga của người lái.

Khi gặp phải trường hợp này, nhiều lái xe cảm thấy hoảng loạn và đạp nhầm chân phanh thành chân ga, nhất là đối với những người sử dụng xe số tự động. Điều này sẽ có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Để hạn chế sự cố xe tăng tốc đột ngột, tài xế nên dành thời gian để làm quen, tìm hiểu “xế cưng” của mình và không đi nhanh nếu điều khiển xe của người khác.

Dừng xe bất ngờ

Đối với những mẫu xe hơi không được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS thì tài xế cần có kỹ năng lái xe cực kỳ thuần thục nếu muốn dừng xe bất ngờ trên đường cao tốc.

Trong trường hợp này, nhiều tài xế có thói quen đạp phanh và kết hợp với đánh lái sang một bên. Tuy nhiên điều này cũng rất dễ gặp rủi ro khi xe đang lưu thông. Thay vào đó, người lái phải trở thành một hệ thống ABS bằng thao tác phanh nhả liên tiếp để xe dừng mà không bị trượt. Đây cũng là cơ chế hoạt động của công nghệ chống bó cứng phanh.

Chạy lệch khỏi lề đường

Xe ô tô vào cua hoặc tránh xe đối diện ở đường nhỏ là những trường hợp phổ biến mà cánh tài xế thường gặp phải. Lúc này, lái xe thường không giữ được bình tĩnh và đánh lái hai bánh xe khỏi mặt đường. Sẽ rất nguy hiểm nếu bên ngoài lề đường không phải là một mặt phẳng hợp lý.

Để xử lý sự cố này, tài xế nên từ từ giảm ga, tu phanh, đánh lái một góc rất nhỏ để đưa xe trở lại làn đường. Đồng thời, các bác tài tuyệt đối không được sử dụng phanh, hạn chế đánh lái góc rộng bởi bề mặt bên ngoài có thể không đáp ứng được độ xoay của bánh xe, dẫn tới tai nạn nguy hiểm.

Trượt nước

Trời mưa, lốp xe bị mòn thường xuất hiện một lớp nước mỏng giữa bánh xe và bề mặt đường, dễ gây nên hiện tượng trượt nước.

Khi gặp phải sự cố, người lái sẽ cảm thấy phía đầu xe trở nên nhẹ hơn và xe bắt đầu chệch ra khỏi làn đường. Lúc này, nếu đánh lái hoặc nhấn phanh sẽ khiến cho xe bị trượt dài. Vì vậy, tài xế hãy nhả chân ga và cố gắng giữ xe chạy thẳng cho đến khi lấy lại được kiểm soát.

Mất phanh

Mất phanh là một trong số những sự cố nguy hiểm khi lái xe ô tô. Khi xe mất phanh, người lái thường hoàng loản, khiến cho nguy cơ rủi ro càng cao hơn. Để xử lý, yếu tố quan trọng nhất là phải giữ bình tĩnh. Sau đó, tài xế nên đạp phanh liên tục để tìm cơ may hệ thống được phục hồi.

Đồng thời sử dụng kết hợp với phanh tay một cách nhịp nhàng và dồn số giảm tốc độ cho xe. Các bác tài tuyệt đối không được tắt động cơ xe. Điều này có thể sẽ khiến cho hệ thống trợ lực không hoạt động, gây trở ngại cho việc điều khiển xe.

Nhiệt độ xe quá cao

Nếu tài xế nhận được tín hiệu đèn báo lỗi nhiệt độ, có nghĩa là nhiệt độ xe đang ở trên mức giới hạn cho phép. Lúc này, tài xế nên lập tức dừng xe để kiểm tra hệ thống đường ống làm mát.

Nếu thấy dây đai dẫn động kết nối với máy bơm bị hỏng thì tài xế không nên tiếp tục lái xe. Hoặc tài xế có thể chờ 30 phút để động cơ hoạt động trở lại rồi di chuyển xe đến các trung tâm bảo hành để kiểm tra, sửa chữa.

Trường hợp, đồng hồ vẫn báo đèn nhiệt độ thì tốt nhất tài xế nên gọi cứu hộ để tránh làm hỏng động cơ hoặc thậm chí cháy nổ.

Trả lời